Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

‘Cơn bão’ Underground và sự nổi dậy của các chiến binh


Dòng nhạc Underground được hiểu nôm na là dòng nhạc không chính thống, tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng. Nhưng lợi thế của dòng nhạc này là sự tự do, các nghệ sĩ được thả mình thoải mái trên không gian hoạt động chính của họ là Internet - nơi không có những quy định gò ép phải làm theo những khuôn phép.
1.Nền Underground Việt và quá khứ bị lãng quên
Thế nào là Underground?
Người hâm mộ nhạc Việt chắc chắn ít người chưa từng nghe đến cụm từ “Underground”. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi các nghệ sĩ đến từ “địa hạt” này đang ngày càng khẳng định mình thì cụm từ này lại được nhắc đến nhiều hơn. Vậy nên định nghĩa Underground thế nào cho đúng?
Theo nghĩa tiếng Anh, Underground là “hoạt động trong thế giới ngầm dưới lòng đất”. Vậy hiểu một cách nôm na, nghệ sĩ Underground là những người hoạt động khá “kín tiếng”. Khác biệt với dòng chảy âm nhạc đại chúng, Underground có thể được hiểu là dòng nhạc không chính thống, ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Các nghệ sĩ Underground thường không có những hoạt động thường xuyên như như ra album, single, họp báo hay PR trên báo chí…
Môi trường Underground có thể coi là môi trường không chuyên nghiệp, ít mang lại tiếng tăm, danh vọng và tiền bạc song mang những đặc điểm riêng khá thú vị. Các nghệ sĩ Underground chủ yếu hoạt động trên các cộng đồng mạng. Họ rất thoải mái trong các khâu sáng tác, viết nhạc, thu âm, quảng bá… Với tính chất môi trường Underground là tự do nên các nghệ sĩ có thể thoải mái sáng tạo nên những sản phẩm của chính mình mà không cần quan tâm đến các khuôn phép. Những sáng tác của họ thường giản dị, chân thực, gắn liền với cuộc sống và dễ đi sâu vào lòng người.
Khác với dòng nhạc overground (chính thống) lấy tình yêu làm chủ đề chính, nhạc Underground thường tập trung vào đi sâu các vấn đề xã hội bên cạnh chủ đề về tình yêu. Như vậy, có thể coi Underground là dòng nhạc không chính thức đến từ các nghệ sĩ nghiệp dư. Tuy vậy, với sự phát triển của internet và truyền thông như hiện nay, dòng nhạc “đi lên từ thế giới ngầm” này đang ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng to lớn của mình lên sự phát triển chung của V-pop và hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Quá khứ bị kì thị và lãng quên
Dòng nhạc Underground du nhập vào Việt Nam cùng với sự phát triển của internet và “ngành công nghiệp thu âm”. Dòng chảy chính trong giới Underground chính là thể loại rap – hiphop đến từ các rapper 2 miền Nam Bắc.
Underground gắn liền với sự phát triển của Hiphop Việt
Vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm về trước, cùng thời điểm với sự bùng nổ của dòng nhạc trẻ thị trường, nhưng Underground nói chung và rap-hiphop nói riêng chưa có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam bởi sự “xù xì”, “gai góc”, quá xa lạ với nền âm nhạc của nước ta.
Hiphop và rap tại Việt Nam được tác động và phát triển trực tiếp từ Bắc Mỹ thông qua thế hệ thanh niên sinh trưởng hoặc đã từng du học tại Mỹ, Canada… Nghệ sĩ tiên phong mang hiphop vào Việt Nam được giới Underground công nhận chính là Khanh Nhỏ.
Thời kì này, những bài rap thường chịu ảnh hưởng của hiphop Mỹ, rất thô và xa lạ, đi ngược lại các giá trị văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt nên bị người hâm mộ kì thị.
Suốt trong thời gian sau đó, từ khoảng năm 2000 đến năm 2010, dòng nhạc Underground tiếp tục được du nhập và phát triển tại Việt Nam với sự xuất hiện các cộng đồng Underground khắp cả nước, nhiều nhất vẫn là TP. HCM và Hà Nội. Tuy có phát triển và gặt hái được một số thành công nhất định nhưng dòng nhạc Underground vẫn chưa có chỗ đứng thực sự. Bởi lẽ:
Thứ nhất, sự phát triển và hoạt động của nó chủ yếu dưới hình thức tự phát. Các nhóm rap, hiphop ra đời và tự hoạt động với nhau mà chưa hề có quy định nào cụ thể. 
Thứ hai, đây cũng là thời kì giới Underground có nhiều xáo trộn khi nhóm rap, hiphop các vùng miền thường xuyên có mâu thuẫn với những bài rap quá thô (hay còn gọi là dirty rap). Hậu quả là cái tên Underground tiếp tục nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của khán giả.
Tiếp theo là sự phân biệt, kì thị đối với giới Underground Việt. Dòng nhạc này du nhập vào Việt Nam đúng thời kì nhạc trẻ thị trường đang tung hoành và làm mưa làm gió. Những cái tên của dòng nhạc thị trường như Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, Lam Trường, Quang Vinh… trở thành thần tượng của hàng triệu bạn trẻ.
Bên cạnh đó, nền âm nhạc Underground với những nét khác biệt về văn hóa với những giá trị âm nhạc truyền thống cũng là rào cản quá lớn cho sự hòa nhập dần của nó vào nền V-pop đương đại. Điều này cũng không khó hiểu khi mà Underground xuất phát từ tầng lớp dân nghèo, hạ lưu và da đen bị phân biệt đối xử tại Mỹ. 
Indie Music: một dòng chảy mạnh mẽ của Underground
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, khi du nhập vào Việt Nam, Underground cũng đã bị biến đổi khá nhiều để phù hợp với thị hiếu người hâm mộ. Âm nhạc Underground của năm 2012 đã thay đổi theo hướng tích cực rất nhiều so với bản thân nó những năm 2007, 2006. Đó chính là cơ sở để Underground ngày càng bùng nổ và ăn sâu vào nền âm nhạc Việt.
Trong giai đoạn 2000-2009, một vài tên tuổi trong giới Underground như LK, Đinh Tiến Đạt, Phong Đạt, Andree, Kyo, Lil’ Shady… đã bước đầu gây được ảnh hưởng trong giới trẻ; và thậm chí còn nổi tiếng hơn nhiều so với các ca sĩ overground (chính thống).
LK – Rapper có tiếng vang nhất Underground Việt, từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ V-pop
Andree – Một rapper có công mang rap từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam
Suốt thời gian dài kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Underground với nhiều dòng chảy như rap, hiphop, indie music… vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc và còn bị nhìn nhận dưới nhiều góc độ khiếm khuyết, thiếu thiện cảm.
Tuy vậy với sự phát triển của âm nhạc và ngành công nghiệp thu âm, nền Underground Việt đã có bước phát triển “thần kì”, tạo nên cơn sốt trong diện mạo nền âm nhạc Việt Nam.
2. Cuộc "nổi dậy" dữ dội của những "chiến binh" Underground Việt
Tại Vpop, Underground là một định nghĩa khá mới và những ca sĩ đầu tiên đi theo dòng Underground gần như chỉ là những cá nhân nhỏ lẻ, chưa nhận được nhiều sự chú ý từ truyền thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những cái tên như: Kimese, Suboi, Mr.A, Yanbi, Lil'Knight, Karik, JustaTee, Cường Seven, Touliver, Young Uno... đang tạo nên một bộ mặt đầy triển vọng cho những nghệ sĩ Underground Việt. Thậm chí, nhiều người đánh giá những ca sĩ "chui lên" từ lòng đất này có nhiều yếu tố không hề thua kém những giọng ca chính thống của showbiz.
Cá tính? DƯ!
Nhìn vào những gương mặt nổi bật nhất của dòng Underground có thể thấy họ đều là những người còn rất rất trẻ. Kimese sinh năm 90, Yanbi sinh năm 91, Cường Seven sinh năm 90... Cá tính của những ca sĩ này gần như là tràn đầy, tất cả đều có cái tôi rất cao nên khi nghe những ca khúc của các bạn ấy, khán giả gần như thấy được cả con người họ. Họ chẳng hát vì khán giả hay quan tâm ca khúc mình sẽ dạy được ai bài học cuộc sống nào, họ đơn giản đem chính cuộc sống và con người thật của mình vào ca khúc.
Chính vì thế đa số những ca sĩ nổi trội của dòng Underground đều "khác người". Rapper Karik đình đám với ca khúc Rắc rối, giới thiệu bản thân với fan bằng cách xưng "tao": "Với gia đình đó là nơi tao luôn tỏ lòng thành kính dù họ có mắng tao ra sao, với anh em tao sống hết mình, và với chính mình tao không bao giờ tự lừa dối bản thân. Tao đến với Rap vì đôi khi thấy mình tự kỷ nặng nhưng không cần người tâm sự (rap like talking to myself)".
Gout âm nhạc "chất"
Những ca sĩ dòng Underground có một lợi thế là họ biết mình giỏi cái gì và theo đuổi tới cùng cái đó. Đó là lí do vì sao mỗi khi nhắc tới mỗi cái tên, khán giả sẽ biết ca sĩ đó chuyên trị dòng nhạc nào. Suboi, Karik, Mr.A chuyên trị Rap, Kimese "siêu" về Hip-hop, JustaTee có lợi thế về RnB và sáng tác... Mỗi cá nhân đều làm rất tốt nhiệm vụ định hình dòng nhạc của bản thân trong mắt khán giả của họ. Không bao giờ có trường hợp tham lam thích thể hiện nhiều dòng nhạc để rồi bị cả cộng đồng gọi là "nhạt" vì "mất chất". Đa số các ca khúc đều do chính các ca sĩ này tự sáng tác hoặc những người bạn cùng nhóm sáng tác cho họ.
Với những kinh nghiệm và tai nghe bắt nhịp khá tốt với dòng chảy âm nhạc đương đại nên các ca khúc của những ca sĩ Underground gần như là "tiệm cận" với âm nhạc của thế giới, các ca khúc của họ RnB ra Rnb, Rap ra Rap, Hip-hop ra Hip-hop chứ không "nửa vời" như những sáng tác của những nhạc sĩ thuộc về thế hệ trước. Bằng chứng là sự thắng thế gần như tuyệt đối của Thu cuối trên tất cả các bảng xếp hạng là minh chứng rõ ràng cho sự trỗi dậy các sáng tác từ những ca sĩ dòng Underground.
MV đẹp thôi rồi!
Đây là một điểm nhấn khá mạnh giúp các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ Underground tạo ấn tượng dạo gần đây. Những ca sĩ Underground họ không tốn chi phí vào việc sản xuất đĩa nhạc, không cần cái chiến dịch truyền thông hoặc đầu tư cho quần áo lung linh. Vì thế, kênh tiếp thị duy nhất đến khán giả là MV thì họ nhất định phải làm cho thật chỉnh chu.
Đó là lí do tại sao các MV của các ca sĩ Underground mỗi lần tung ra đều khiến khán giả suýt xoa vì độ long lanh. Nổi bật gần đây nhất là các sản phẩm từ êkip đạo diễn trẻ Triệu Quang Huy, điển hình là MV Beautiful Girl của Cường Seven ft Mr.A đang nhận phản hồi rất tốt từ cư dân mạng, hoặc trước đó là Cường Seven cùng Suboi xuất hiện ấn tượng trong MV Đừng ngoảnh lại cùng Lưu Hương Giang.
Nhân tố trợ lực mạnh mẽ đối với các ca sĩ Overground
Các ca sĩ Overground (chính thống) luôn có cái nhìn đầy trân trọng với các ca sĩ Underground. Vì sự tài năng, cá tính của họ nên không ít những ca sĩ chính thống của showbiz Việt mỗi khi cần sự hỗ trợ trong các sản phẩm âm nhạc luôn tìm đến họ. Thậm chí, sự xuất hiện của các ca sĩ Underground đóng vai trò ngang hàng với "vai chính", chứ không phải là một tên tuổi hát lót nữa.
Suboi đã từng giúp Hồ Ngọc Hà tạo nên một bản My Apologize cực Tây, cực cá tính đến nỗi "Nữ hoàng giải trí" Việt Nam vừa tiếp tục hợp tác với cô nàng trong ca khúc mới nhất của mình - I Don't Care. Cường Seven và Suboi cùng góp phần không nhỏ khi xuất hiện bên cạnh Lưu Hương Giang trong sản phẩm Đừng ngoảnh lại, giúp nữ ca sĩ này lấy lại sự chú ý nơi công chúng sau một thời gian dài im ắng. Và gần đây nhất là sự xuất hiện của Yanbi và Mr.T trong vai trò vừa sáng tác, vừa song ca với Bảo Thy trong Nothing in your eyes 2. Hai ca sĩ nổi bật của dòng Underground này cũng đã có những buổi bay show cùng Bảo Thy trên các sân khấu lớn.
Kết
Những nghệ sĩ Underground sở hữu những thứ tốt chẳng kém Overground, nhưng để bước ra từ "lòng đất" lại là một câu chuyện khác. Họ không có sự hỗ trợ từ truyền thông, không có nguồn lực tài chính dồi dào và quan trọng: họ chẳng thích chiều lòng khán giả... Vì thế, để ca sĩ Underground bước ra đời thực và chinh phục được số đông khán giả là một câu chuyện còn khá dài.
Thực sự, những ca sĩ dòng Underground đối với một bộ phận khán giả thì họ chỉ đẹp khi hát sau màn hình máy tính, họ thực sự đẳng cấp khi họ là chính họ... Nếu cố khoác lên mình những chiếc áo hào nhoáng thường thấy của showbiz thì họ lại dễ dàng mất đi cái "chất" ban đầu? Tuy nhiên, chúng ta chưa thể nói trước được điều gì. Hãy cùng chờ xem liệu các giọng ca Underground có thể lập nên kì tích với Vpop trong thời gian tới hay không?  
Chuyên mục: ,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét