Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Thị Trường Của Dòng Nhạc Hip Hop Ở Việt Nam Và Thế Giới. (P.Cuối)


(tiếp kì trước)
Vậy việc thương mại các sản phẩm này bắt đầu từ đâu?
Có lẽ là từ lúc rapper Lil’ Knight chính thức kí bản hợp đồng với Chánh Nam Entertainment. Vậy hãy lấy thời điểm này làm cột mốc, bởi trước đó, các hoạt động nhằm đưa các sản phẩm âm nhạc Hip Hop đến với khán giả ngoài các single track là các mixtape dưới dạng CD hoặc được upload miễn phí trên mạng.
Những sản phẩm âm nhạc không chính thức, một số mixtape được pha trộn giữa nhiều nghệ sĩ, do chính các nghệ sĩ debut hoặc cũng có thể do một thành viên nghe nhạc nào đó của các website tự tạo nên. Phần lớn đều chỉ nhằm mục đích chia sẻ, nếu có một số ít rapper nào đó tiến hành việc thương mại thì cũng hoàn toàn không thể thu về lợi nhuận.
Còn nếu có thu về lợi nhuận thì đó là các rapper gốc Việt sinh sống và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới và không hề liên quan đến thị trường tại Việt Nam. Đây chính là môi trường “thị trường đen” của Hip Hop Việt Nam.
Một thị trường phi thương mại và mục đích ban đầu chỉ nhằm vào việc quảng cáo các sản phẩm âm nhạc và tạo ra danh tiếng cũng như giành lấy khán giả. Nếu so sánh với “thị trường đen” của Mỹ hoặc một số quốc gia khác mà Hip Hop đã có chỗ đứng thực sự vào những năm 80-90 của thế kỉ trước thì chúng ta đã đi một chặng đường không cần đầu tư và các nghệ sĩ chưa có những điều kiện cần và đủ để tự bảo vệ cho các sản phẩm âm nhạc của mình bằng sự đầu tư, bằng bản quyền hay bằng các chiến lược phục vụ cho việc phát hành sản phẩm.
Mixtape “Vietnamese Pride”
Những dấu ấn ban đầu của hoạt động thương mại âm nhạc Hip Hop có thể kể đến sự kiện một loạt các sản phẩm của các nghệ sĩ Underground trong thời gian khoảng 2 năm từ 2005 đến 2007 được một số ca sĩ V-Pop sử dụng và sáng tác lại dựa trên sản phẩm gốc một cách tùy tiện và công khai. Tuy các nghệ sĩ Underground lúc này hầu như mất trắng nhưng cũng có thể coi hành động này đã lôi kéo một số lượng đáng kể khán giả cho dòng nhạc Hip Hop. Điều này chứng tỏ dòng nhạc Hip Hop, điển hình được xuất phát từ Underground có một giá trị riêng và hoàn toàn xứng đáng có được vị thế cho riêng mình cũng như các dòng nhạc khác.
Năm 2011 có lẽ là một năm để đời của dòng nhạc Rap tại Việt Nam. Thời điểm này đã chứng kiến một sự vươn lên mạnh mẽ của khá nhiều rapper. Ở miền Nam, Karik lần lượt chinh phục và giành nhiều giải thưởng tại các sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp. Wowy chiếm được lòng tin yêu của khán giả. Nah ghi lại dấu ấn của mình bằng MV Beautiful Saigon hợp tác cùng với Thai và Wowy cùng với nhiều sự kiện khác.
Ở miền Bắc, rapper Đen và JGKID giành được giải thưởng tại Bài Hát Việt 2011, Space Speaker liên tục chiếm lĩnh các buổi party và các show, thậm chí còn vươn sức ảnh hưởng của mình vào Sài Gòn. Trên các phương tiện truyền thông phổ thông như truyền hình, nhạc rap bắt đầu lấn sân một cách công khai, trên mọi phương diện. Các rapper cũng đã phát triển sự nghiệp của mình một cách chuyên nghiệp hơn bằng việc thành lập các studio, trở thành các producer, tự tay tổ chức các sự kiện. Có thể kể đến Music Doctor của Clown D, phòng thu REC+ của Ling, Space Speaker ở miền Bắc, v.v…
Năm tiếp theo, 2012, G-Family cũng cho ra mắt phòng thu tại Sài Gòn. Cũng trong năm đó, Nah cho ra mắt trang web thương mại các sản phẩm Underground dưới tên miền Haicau143.com và nhận được nhiều phản hồi tích cực cũng như trái chiều về việc thương mại cũng như giá cả cho các sản phẩm. Dự án hiện đang bị tạm hoãn.
Rapper Đen và JGKID tại Bài Hát Việt 2011
Rhymes Fes – Một trong những sự kiện thành công được tổ chức bởi G-Family
Những vấn đề trong thời đại mới là gì?
Hip Hop tại Việt Nam tính đến năm 2012 cũng đã có hơn 20 năm tuổi đời. Dòng nhạc Rap tính từ những ngày đầu khai sinh cho đến thời điểm hiện tại cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công và ghi dấu ấn lên thị trường âm nhạc. Với một khoảng thời gian dài tồn tại như vậy trong cộng đồng người Việt, cứ mỗi một thời điểm, dòng nhạc Rap lại phải đương đầu với những khó khăn khác nhau.
Thời điểm dòng nhạc này kén khán giả đã qua với nhiều sự hy sinh công sức, tiền tài của cả một thế hệ rapper đi trước. Thậm chí có người cũng đã hy sinh cả tương lai, cả thời thanh niên của mình cho Hip Hop Việt.
Thời điểm hiện tại, khi có ngày càng nhiều những rapper cùng đi chung trên một con thuyền thương mại hóa Việt Rap, những phản hồi trái chiều là điều không thể tránh khỏi nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là cần phải tìm ra được những phương pháp mới hơn, phù hợp hơn với thị trường trong nước. Từ đó tìm được sự đồng thuận và chấp nhận từ phía khán giả. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, có thể tính bằng năm hay chục năm đi chăng nữa nhưng nếu thành công trên diện rộng thì đây sẽ là một bước tiến rất lớn.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của các rapper thông qua việc trở thành các producer và tự bắt tay vào gần như 100% các hoạt động công việc của bản thân, họ đã thành lập nên các thương hiệu và dịch vụ liên quan nhằm phục vụ cho công việc sản xuất âm nhạc. Thời gian sắp tới, việc độc quyền trong chuyện sản xuất âm nhạc sẽ không còn mà sẽ thay vào đó là một môi trường cạnh tranh. Đây sẽ lại là một bước ngoặt khác cho Hip Hop Việt trong tương lai.
- Canis T -
Chuyên mục: , ,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét