Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Nhạc Rap, Có Phải Là “Thảm Hoạ” ?

Trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Blender, Alicia Keys, nữ ca sĩ da màu đến nay đã nhận được 11 giải Grammy trong sự nghiệp của mình, đã nói về gangsta rap như sau: “Cái gọi là gangsta rap chỉ là một âm mưu để thuyết phục người da đen giết nhau. Gangsta rap thật sự không tồn tại”.

Phát biểu này đã bị bóp méo (bởi không ai khác hơn giới truyền thông) và gây tranh cãi khủng khiếp đến mức Alicia Keys phải đăng đàn giải thích: “Ý thật sự của tôi là cho rằng thuật ngữ này (gangsta rap) đã bị giật tít quá liều bởi một số người trong giới truyền thông và gây ra những hậu quả không phải lúc nào cũng tích cực. Phần lời của rất nhiều bản ‘gangsta rap’ xoay quanh những trải nghiệm thật sự của người nghệ sỹ và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta, kể cả những người lãnh đạo, đều cần cố gắng hơn để phơi bày ra những vấn đề ấy, bao gồm cả thuốc, bạo lực, băng đảng, tội ác và những vấn đề xã hội liên quan khác”.

Nhạc rap, hay nói trong phạm vi hẹp hơn là gangsta rap (dịch nôm na theo tiếng Việt là rap băng đảng), từ lâu đã là đích nhắm chỉ trích yêu thích của giới truyền thông khi đề tài của nó xộc thẳng vào những đề tài xã hội nhạy cảm như như băng đảng, bạo lực, tình dục…

Khi thể loại này xuất hiện ở Việt Nam dưới hình hài những bản rap của Karik, Wowy… ngay lập tức nó đón nhận sự chỉ trích từ giới truyền thông với những lý lẽ đạo mạo xưa cũ như đánh đồng nhạc rap với thảm họa, coi nhạc rap là sự nổi loạn ngôn ngữ với ngôn từ “chợ búa”, nhạc rap thiếu vắng những giá trị chân-thiện-mỹ…

Thế nhưng, phải chăng bản chất thật sự của rap là như thế, và nếu vậy, tại sao nhạc rap không hề thiếu tên trên bất kỳ bảng xếp hạng âm nhạc danh giá nào?

Trái với suy nghĩ mang tính kỳ thị giai cấp nặng nề rằng rap là thứ âm nhạc hạ lưu do những tên du côn chính hiệu biểu diễn, nhạc rap xuất phát từ những buổi tiệc khu phố (block party) của cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở New York, và rap là những đoạn thơ đơn giản được đọc lên xen kẽ giữa những đoạn nhạc cao trào.

Xuất phát từ chính cộng đồng và xã hội nên nhạc rap vẽ nên bức tranh xã hội chân thực nhất về cuộc sống, về môi trường mà mỗi người chúng ta đang đối mặt mỗi ngày với cả những đặc tính tốt và xấu, những nét màu sáng và tối mà xã hội đang bày ra.

Với tôn chỉ “hiện thực cuộc sống” đó, hiphop và rap trở thành một nét văn hóa thật sự của Mỹ và len lỏi khắp mọi ngóc ngách mà âm nhạc có thể đặt chân đến.

Điều đó cũng giải thích được vì sao giới trẻ Việt Nam hiện nay lại yêu thích những bản rap vẫn bị người lớn coi là “bẩn” như vậy. Nếu nhìn lại chân thực những bài rap đang phổ biến không phải bằng lăng kính màu hồng, ta sẽ thấy đó là những góc cạnh cuộc đời mà nếu thật sự có tâm thì ai cũng có thể nhận ra, là những tình huống mà có thể một người nào đó trong chúng ta đang gặp phải mỗi ngày mà giới trẻ, với bản chất nhạy cảm và chưa bị chai sạn bởi những va chạm cuộc đời, luôn dễ dàng đồng cảm và chia sẻ hơn với thứ âm thanh ấy.

Những ngày này, nền công nghiệp âm nhạc trên toàn thế giới đang đồng loạt tiến hành những hoạt động kỷ niệm 20 năm ra đời album Nevermind của nhóm nhạc Nirvana (album phát hành ngày 24/9/1991), một trong những album thể hiện chính xác nhất tiếng nói của thế hệ trẻ và tạo ra được những tác động mạnh mẽ.

“Smell Like Teen Spirit”, bài hát nổi bật nhất trong album, được xem là “nhạc nền của những đứa trẻ lạc lõng của xã hội” với lối sống bất cần, “Come As You Are” khuyến khích giới trẻ sống thật với bản chất của mình thay vì hành xử theo cách mà những người xung quanh kỳ vọng, “Polly” nói về một bé gái bị bắt cóc, hiếp và giết chết sau khi tham dự một rockshow… Những bài hát khác trong album cũng xoay quanh những vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời, thế nên trước khi album được phát hành, ngay cả những thành viên Nirvana lẫn nhà phát hành đều không mong đợi sự thành công của nó.

[Họ] đang cố gắng dựng lại nguyên vẹn thay vì trau chuốt với những mỹ từ bóng bẩy hào hoa nhưng xa rời thực tế.

Sự thật hoàn toàn trái ngược. Đối tượng chính của album, lứa teenager thuộc thế hệ X (có lẽ cũng trạc tuổi với nhạc sĩ Trần Lập hay Giáng Son, những người vừa đăng đàn chỉ trích rap mạnh mẽ) đón nhận album một cách cuồng nhiệt khi biến album trở thành “tiếng nói của cả thế hệ những người trẻ bị kỳ vọng quá mức, bị bỏ mặc, hay bị hạ thấp” (Michael Azzerad – Rolling Stones). Giới phê bình trao cho album những lời khen hào phóng, Rolling Stones xếp Nevermind ở vị trí thứ 17 trong danh sách “The 500 Greatest Albums of All Time”…

Điều gì làm cho những tác phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ như thế lại có thể phổ biến rộng rãi như vậy nếu nó không xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của xã hội.

Xã hội phát triển luôn tiềm ẩn trong nó những bất ổn, những tồn tại nhức nhối. Nếu một ngày nhạc rap biến mất không thể làm xã hội sẽ ngay lập tức trở nên tốt đẹp hơn, điều đó chỉ đơn giản đồng nghĩa rằng xã hội đã thiếu vắng đi một tiếng nói chân thực nhất. Cái gọi là ngôn từ “chợ búa”, ngôn ngữ nổi loạn mà nhiều người đang cố gắng chụp vào cho nhạc rap thật ra chính là âm thanh trần trụi, là ngôn ngữ thô ráp mà xã hội đang vang lên hàng ngày mà những rapper đang cố gắng dựng lại nguyên vẹn thay vì trau chuốt với những mỹ từ bóng bẩy hào hoa nhưng xa rời thực tế.

Không ai trách tội một người họa sỹ, một người nhà văn vì họ đã vẽ thực, tả thực về xã hội, và do đó, nếu ai đó đánh đồng nhạc rap với thảm họa, đơn giản là họ đã tự ru ngủ mình quá lâu để rồi thức giấc và không thể chấp nhận được hiện thực xã hội bày ra trước mắt mà thôi.

Trong chương trình văn học của nền giáo dục phổ thông Việt Nam, tác phẩm “Đôi Mắt” của nhà văn Nam Cao kể về hai nhà văn với hai tuyên ngôn nghệ thuật khác nhau. Nhà văn Hoàng là người có những thú vui tao nhã như đọc truyện Tam Quốc, ăn mía ướp hoa bưởi nhưng lại có góc nhìn thiếu độ lượng, thiếu thiện chí với giới bình dân, với hiện thực cuộc sống. Trong khi đó nhà văn Độ là người đã cùng lăn lộn, nếm trải cuộc sống của những người dân nghèo tồi tàn ấy nên thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống và ý nghĩa chân thực của nó. Cái gọi là chân-thiện-mỹ của nghệ thuật lại không nằm ở ngôn từ thanh tao, văn chương thánh thiện mà nó nằm ở mức độ chân thực về cuộc sống, về xã hội hàng ngày mà mỗi người đang tồn tại.

Chuyện tuy xưa, nhưng áp dụng vào cuộc sống hiện đại với giới rapper và những người đang chỉ trích họ mỗi ngày, có lẽ giá trị của câu chuyện vẫn chẳng bao giờ cũ.

Tất nhiên, những lo lắng của một cá nhân luôn cần một mức độ nhân thức nhất định để tiếp nhận một tác phẩm nào đó, đặc biệt là những sản phẩm văn hóa có tính va chạm cao như nhạc rap.

Ở những nước mà nền công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ, họ luôn phân định rõ ràng những album nào dành cho mọi lứa tuổi và những album nào mà trẻ em phải có sự tư vấn đặc biệt từ phụ huynh mới được mua (Parental Advisory).

Truyện tranh Việt Nam đã có những quyển dán mác ‘Dành cho tuổi 16+ trở lên’, các sân khấu kịch và những bộ phim chiếu rạp ‘nặng đô’ cũng có khuyến cáo ‘Không dành cho trẻ em’. Nếu thực sự lo ngại cho giới trẻ đã đủ tuổi để thưởng thức một tác phẩm nào đó, có lẽ đã đến lúc để những nhà hoạch định chính sách đặt ra quy định chặt chẽ hơn về dán nhãn cho những sản phẩm văn hóa.

Nếu chưa thực hiện được, xin hãy chất vấn những nhà quản lý thay vì đá quả banh trách nhiệm sang cho những người sáng tác, những người chỉ có nhiệm vụ đơn giản mà vĩ đại là ghi lại suy nghĩ và cảm xúc về cuộc sống quanh mình.

A. H.
Chuyên mục:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét